Xử trí khi bị ngộ độc thức ăn
Ngộ độc thức ăn là chuyện có thể xảy ra trong các chuyến du lịch. Nếu không biết cách xử trí kịp thời, người bệnh có thể bị mất nước, mất chất điện giải dẫn đến truy tim mạch và sốc. Làm gì trong trường hợp người thân bị ngộ độc để tránh những rủi ro đáng tiếc? BS Trần Thị Phương - nguyên phó khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai - đưa ra một số hướng dẫn.
Biểu hiện
Sau khi ăn phải thức ăn nhiễm độc, người bệnh có biểu hiện buồn nôn và nôn, đau bụng và đi ngoài phân lỏng nhiều lần (phân có thể lẫn máu), có thể sốt trên 38oC. Triệu chứng trên có thể xảy ra ngay tức thì tức thì sau khi ăn vài phút nhưng cũng có thể sau 1 giờ hoặc nhiều hơn, thậm chí là 1 ngày.
Ảnh minh họa
Cách xử trí
Việc đầu tiên cần làm khi một người có biểu hiện ngộ độc thức ăn là gây nôn để tống xuất chất độc ra ngoài bằng cách dùng ngón tay ngoáy vào họng. Khi người bệnh nôn, cần để đầu cúi thấp hơn ngực để tránh bị sặc vào phổi.
Trong trường hợp không nôn được, cho người bệnh uống than hoạt tính. Tác dụng của than hoạt tính là hút các chất độc ngăn không cho chất độc thấm vào máu.
Bước tiếp theo, cho người bệnh uống sulfate magnesium, sorbitol để tống chất độc và than hoạt tính ra ngoài qua đường phân.
Khi bị ngộ độc, người bệnh thường đi ngoài nhiều, do đó dễ mất nước và chất điện giải. Vì vậy, cho người bệnh dùng oresol để bù nước và chất điện giải.
Sau các bước trên, cơ thể cho người bệnh ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hoá như cháo, súp...
Lưu ý:
Sau các bước xử trí ban đầu, nếu các triệu chứng ngộ độc không thuyên gảm, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Theo: BACSI.com